Tiếp thị Tranh cãi tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021

Bộ nhận diện nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp

Ngày 21 tháng 3 năm 2022, thông tin từ Tổng cục Thể dục Thể thao; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết một số trang mạng xã hội, chủ yếu là từ Facebook của một vài cá nhân, đã phát tán hình ảnh Bộ nhận diện thương hiệu SEA Games 31.[1] Theo đó, sau khi Tiểu ban Thông tin - Truyền thông công bố bộ nhận diện mẫu kèm theo hình ảnh minh họa, những cá nhân này đã phát hiện bộ nhận diện có nhiều lỗi nghiêm trọng như sai ngữ pháp tiếng Anh, sai ngữ cảnh nội dung,... Ban tổ chức sau đó nói rằng bộ nhận diện này "đều được phê duyệt và đảm bảo tính pháp lý", cho rằng những lời lẽ, ngôn từ mà nhóm người này nhận định về thiết kế, màu sắc, bố cục của Bộ nhận diện SEA Games 31 là "mang tính chủ quan, phiến diện và đầy ác ý".[2] Họ tuyên bố sẽ làm việc với các cơ quan có thẩm quyền về an ninh mạng để xử lý những người đã đăng tải những thông tin trên[3][4], đồng thời bày tỏ mong muốn "các cơ quan báo chí tiếp tục ủng hộ thể thao Việt Nam" để "có thể vượt qua những khó khăn, tổ chức thành công kỳ Đại hội này."[5] Phía Tiểu ban Thông tin - Truyền thông cũng cho biết sẽ tiếp tục nhận ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh bộ nhận diện để có được bộ thiết kế đẹp, bắt mắt và chính xác hơn.[6]

Bài hát chủ đề

Ngày 30 tháng 3 năm 2022, ban tổ chức đã công bố bản ghi chính thức của bài hát chủ đề của đại hội mang tên "Hãy toả sáng" (tiếng Anh: Let's shine).[7] Ngay khi được công bố, bài hát đã thu hút sự chú ý của người hâm mộ nhưng lại không nhận được nhiều sự ủng hộ như mong đợi. Nhiều ý kiến cho rằng "Hãy toả sáng" thiếu đi tinh thần, khí thế hào hùng của thể thao, lời ca mang tính kể lể gian khổ nhiều. Bên cạnh đó, giai điệu của ca khúc cũng được cho là không phản ánh được sự cuồng nhiệt, sôi động cần có, và thiếu đi sức ấn tượng.[8] Thậm chí, bài hát còn được đem ra so sánh với bài hát chính thức của SEA Games 2003 "Vì một thế giới ngày mai"[9]. Theo VieZ, “Phần hát solo của từng người cũng không tạo ra được sự ấn tượng cần thiết, trong khi ở những màn hòa giọng lại thiếu mất đi sự hòa quyện với nhau.”[10] Tuy nhiên, Hồng Linh của Đời sống viết: “Nhạc sĩ Bùi Huy Tuấn đã rất khéo léo khi kết hợp chất khỏe khoắn, sôi nổi của thể thao với phần ca từ đầy ý nghĩa, mang thông điệp SEA Games 31 vì một ASEAN mạnh mẽ hơn, như slogan của Đại hội." Phần rap của Đen Vâu cũng là một trong những điểm gây tranh cãi. Trong khi một bộ phận người nghe cho rằng lời rap có vẻ mang hơi hướng cá nhân[11], mang tính chất "cổ động cho đoàn Việt Nam hơn là thể hiện tinh thần của cả SEA Games, cho tất cả nước tham dự" thì trang Đời sống lại coi đây là điểm "bắt trend" của bài hát khi đã "thể hiện bản lĩnh, ý chí của người Việt Nam trong sự hội nhập chung với bạn bè quốc tế.”[12]

Treo nhầm quốc kỳ của Philippines trong video âm nhạc

Video âm nhạc (MV) chính thức của ca khúc chủ đề của SEA Games 31 "Let's Shine", phát hành ngày 18 tháng 4 năm 2022, đã bị phát hiện là có sai sót khi treo dọc quốc kỳ của Philipines trong một số phân cảnh. Trong MV, cờ Philippines được treo dọc với phần màu đỏ bên trái và phần màu xanh bên phải, chỉ được sử dụng khi có chiến tranh xảy ra; trong khi quốc kỳ được sử dụng trong thời bình sẽ có phần màu xanh bên trên khi treo ngang và ở bên trái khi treo dọc.[13] Ban tổ chức sau đó đã phải gỡ bỏ video này để chỉnh sửa trước khi đăng lại vào 29 tháng 4, đồng thời nhìn nhận "đây là bài học kinh nghiệm cho chúng tôi".[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tranh cãi tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 http://baobacgiang.com.vn/bg/the-thao/376630/nhieu... https://www.bbc.com/vietnamese/sport-57429879 https://www.bbc.com/vietnamese/sport-57628553 https://www.bbc.com/vietnamese/sport-61297511 https://www.bbc.com/vietnamese/sport-61396147 https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61161302 https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbi... https://www.indosport.com/raket/20220526/media-chi... https://m.phnompenhpost.com/sport/gold-medal-favou... https://seagames2021.com/an-pham/bieu-tuong-cac-mo...